#4. Những ngộ nhận về sơ đồ “ikigai” khiến bạn mất đi sự tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân
Bản tin số 4 hôm nay mình muốn làm rõ những ngộ nhận về khái niệm “ikigai” trong định hướng nghề nghiệp/sự nghiệp và những thông tin có thể bạn chưa biết về sơ đồ “ikigai”
A.Những ngộ nhận về “ikigai” (Góc nhìn cá nhân của Cherry Lam về “ikigai”)
Thứ 1, “ikigai” là la bàn điều hướng để tìm thấy mục đích sống hoặc điểm đến của cuộc đời cũng như sự nghiệp.
Mình nghĩ công việc/sự nghiệp là một hành trình không có điểm đến cuối cùng. Mình xe mỗi nơi mình tham gia vào, mỗi công việc mình chọn làm là những trạm dừng chân. Ở mỗi trạm dừng, mình chọn làm hết lòng và hết sức. Nhờ vậy, mình có điều nhỏ nhặt mang lại niềm vui trong việc làm./công việc.
Thứ 2, giao điểm của các vòng tròn trong sơ đồ “ikigai” là tiêu chuẩn để đo lường của một công việc mang đến hạnh phúc hay sự đủ đầy.
Một công việc/việc làm sẽ luôn có những điều bạn thích lẫn không thích khi bạn tham gia vào đó. Làm việc hết mình và trọn vẹn với từng khoảnh khắc, nhận biết từng cung bậc cảm xúc thì mới thấy được sự thú vị của công việc đang làm.
Thứ 3, sơ đồ “ikigai” là công thức của một công việc/sự nghiệp mang lại hạnh phúc.
Nếu có công thức đó là chân lý thì trên đời này toàn là người hạnh phúc, sẽ không có ai đau khổ và chán nản trong việc làm/công việc. Làm việc đúng sở thích, đúng sở trường, đúng chuyên môn là yếu tố thuận lợi giúp cho công việc đang làm. Chúng không là tiêu chuẩn để đánh giá sự hạnh phúc trong công việc.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không tìm thấy một công việc theo chuẩn “ikigai”?
Theo mình, đừng quá sa đà và tìm kiếm: sứ mệnh cuộc đời, mục đích sống, ý nghĩa cuộc đời vì đôi khi bạn sẽ bị mắc kẹt trong chúng mà chính bạn cũng không hay biết. Kết quả nhận được, có thể sẽ rơi vào cảm giác lo lắng, sợ hãi; rơi vào trạng thái phán xét và chỉ trích bản thân không đáng có vì thấy mình sống không có mục đích, không có ý nghĩa, không có ích lợi. Hoặc là có thể bạn rơi vào những ảo ảnh do mình tự tạo ra. Rồi lại lạc lối trong đó.
Bạn đã bao giờ nghĩ về những điều nho nhỏ mang lại niềm vui cho mình mà không cần dùng tiền để mua? Chúng tồn tại một cách tự nhiên bên trong bạn mà không cần sự định hướng hay điều hướng từ bất kỳ ai.
Với mình, bất kỳ một cây cỏ dại, một bông hoa dại nào cũng có vai trò riêng của nó trên trái đất. Bạn đã từng thấy cánh đồng hoa-cỏ dại nào chưa? Đồi cỏ hồng ở Đà Lạt hay một mảng hoa xuyến chi mọc bên vệ đường ở Hà Giang? Và bạn cũng vậy, bạn có những giá trị và kho báu riêng ở bên trong, bạn nhìn ra chúng chứ?
Thứ 4, sơ đồ “ikigai” là một công cụ lý tưởng giúp bạn có một công việc hạnh phúc và có thu nhập khủng.
Với mình, sơ đồ đó là một gợi ý để nhìn nhận lại sở thích cá nhân, kỹ năng hiện có, năng khiếu và tính cách, giá trị sống của bản thân. Từ đó, bạn có thể khoanh vùng lĩnh vực việc làm phù hợp dễ dàng hơn. Tự định hướng lại về việc làm cho mình. Biết tự lên kế hoạch thực hiện để đạt những mục tiêu công việc của bản thân.
Sơ đồ “ikigai” mô tả về một việc làm lý tưởng. Và hãy quên nó đi. Tạm dừng hỏi: “Làm thế nào tôi có thể tìm thấy ikigai của mình?” hay “Đâu mới là ikigai của tôi?”
Đánh mất đi sự tự định hướng cho bản thân trong nghề nghiệp, công việc là kết quả của những ngộ nhận về sơ đồ “ikigai”.
B.Những câu hỏi giúp bạn lấy lại sự tự tin và tự định hướng được cho bản thân trong công việc hay sự nghiệp
1.Những điều gì khiến tôi thật sự vui, hào hứng khi làm và tôi quan tâm, luôn muốn tìm hiểu về nó suốt 5-10 -15-20 năm qua?
2.Những điều gì khiến tôi có thể làm nó với tất cả tấm lòng không cần sự thúc đẩy từ ai, từ nhỏ đến giờ?
3.Những hoạt động nào tôi có thể tốt mà chưa cần đến sự rèn luyện hay nỗ lực thật nhiều?
4.Tôi sẽ học được những điều gì khi tôi làm công việc này ?
5.Mục tiêu trong công việc của tôi là gì, tôi đang cần khoảng bao nhiêu tiền một tháng từ công việc?
6.Hiện tại tôi làm việc vì thu nhập hay vì điều gì khác hay cả hai?
7.Điều tôi cần ưu tiên trong công việc hiện tại là gì: thu nhập hay điều gì khác ngoài thu nhập?
8.Thứ tự ưu tiên của bạn đang như thế nào đối với 4 khía cạnh cuộc sống: bản thân, việc làm, gia đình và xã hội?
9.Bạn từng nghĩ đến một một việc làm khiến bạn có niềm vui nào chưa? Làm thế nào để thực hiện điều đó?
Mình tin rằng, khi trả lời với bản thân 9 câu hỏi trên một cách trung thực và nghiêm túc. Bạn có thể sáng tỏ được mục tiêu về việc làm hay sự nghiệp của chính bạn.
Nếu còn thắc mắc và cần tham khảo ý kiến, bạn để lại câu hỏi trong ô bình luận nhen.
Bây giờ mình chia sẻ thêm chút thông tin về “ikigai”
C.Nguồn gốc của sơ đồ venn “ikigai”?
1.Câu trả lời ngắn gọn cho việc sơ đồ ikigai đến từ đâu?
Được tạo ra bởi Marc Winn. Ban đầu, nó được trình bày bằng văn bản viết trên blog cá nhân của Marc Winn vào ngày 14 tháng 5 năm 2014 với tiêu đề “ikigai của bạn là gì?”
Và đến năm 2017, Marc đã có bài nói về nguồn gốc của sơ đồ “ikigai”, cũng là một bài đăng trên blog cá nhân.
Anh thừa nhận như thế này. Không biết tôi nên khóc hay cười. Tôi đã và đang tạo nên một sự thay đổi khắp thế giới, bằng một vài hành động chỉ tiêu tốn khoảng thời gian chưa đến một giờ đồng hồ. Tôi đã tạo ra một điều mới từ hai mô hình. Đó là mô hình điểm đến/ đích đến (purpose) và các bước để có “ikigai” của Dan Buettner, tôi đã xem trên chương trình “Ted Talks” (tựa gốc là “How to live to be 100+”). Tôi đã vẽ lại sơ đồ, thay “điểm đến” thành “ikigai”, chỉ có thế thôi.
Như vậy, Marc Winn chỉ thay đổi “điểm đến” thành “ikigai” và sơ đồ anh cẽ lại đã có hàng chục triệu lượt xem và chia sẻ trên khắp thế giới. Và nó vẫn còn lan truyền trên internet đến nay.
2.Câu trả lời dài hơn một chút cho việc sơ đồ Ikigai đến từ đâu?
Nó được phát triển từ ý tưởng của Jim Collins về khái niệm “con nhím” từ cuốn sách bán chạy nhất năm 2001 của ông, tựa gốc là “Good to Great” (đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, Từ tốt đến vĩ đại - Tại sao một số công ty tạo ra bước nhảy vọt. Còn những công ty khác thì không?)
Collins lập luận rằng các công ty lớn mạnh phát triển khái niệm “con nhím" làm nền tảng cho mọi thứ họ làm. Khái niệm đó được tìm thấy ở giao điểm của ba yếu tố chính:
Bạn đam mê sâu sắc về điều gì?
Bạn có thể trở thành người giỏi nhất thế giới ở điểm nào?
Điều gì thúc đẩy động cơ kinh tế của bạn?
Trong khi mô hình của Collins được phát triển cho các tập đoàn thì một phiên bản điều chỉnh của nó, mô hình "Sweet Spot" (mình tạm dịch năng khiếu/ thế mạnh nổi trội nhất) nhanh chóng trở nên phổ biến đối với các doanh nhân và những người thay đổi nghề nghiệp.
Theo Jim Collins, để tìm lĩnh vực kinh doanh hoặc nghề nghiệp lý tưởng của bạn, chỉ cần tìm ra những thế mạnh và năng khiếu nổi trội nhất của mình.
Sơ đồ “Sweet Spot” sau đó đã được một người nào đó điều chỉnh, ai đó đã thêm vào vòng tròn thứ tư “That which the world needs” (tạm dịch “Điều mà thế giới cần"). Và "Sweet spot" ở trung tâm đã được đổi tên thành "Purpose".
Sơ đồ sửa đổi cũng gắn nhãn các giao điểm của các vòng tròn tương ứng là Đam mê, Sứ mệnh, Chuyên môn và Nghề nghiệp (cái nghiệp làm thành nghề/ ơn gọi)
Về cơ bản, sơ đồ ikigai 2014 đã được hình thành hoàn chỉnh - tất cả những gì Winn phải làm để tạo ra sơ đồ Ikigai của mình là thay thế từ "Purpose" bằng "Ikigai."
Tóm lại, Marc Winn đã thực hiện thay đổi đó, và sơ đồ Ikigai của anh ấy đã được lan truyền và đạt hàng chục triệu lượt xem một cách nhanh chóng.
D.”ikigai” có nghĩa là gì?
“ikigai” trong tiếng Nhật được tạo thành bởi hai từ iki 生き và kai 甲斐. Phát âm theo tiếng Nhật “iki-kai”, còn tiếng La Tinh là “iki-gai”.
iki 生き mang nghĩa là “sống hay sự sống” và kai 甲斐, mang nghĩa “có giá trị hay “có ý nghĩa” hoặc “có ích”.
Theo mình, “ikigai” là một cuộc sống viên mãn có đầy đủ 4 khía cạnh: sức khỏe lành mạnh cho bản thân (thể chất và tâm thần), công việc để làm, có gia đình thân thuộc và sự đóng góp cho cộng đồng xã hội. Và mỗi người sẽ có định nghĩa khác nhau về một cuộc sống viên mãn. Không ai giống ai cả.
Theo Héctor García và Francesc Miralles, “moai” được xem là triết lý sống hay lý do để tận hưởng cuộc sống của người dân trên đảo Okinawa, một hòn đảo phía nam của Nhật Bản. Nơi mà người dân có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
Lý do để thức dậy vào buổi sáng là một ngày làm việc bận rộn. Những người nông dân họ sẽ cùng nhau trồng trọt và giúp nhau thu hoạch nông sản.Họ có một cộng đồng cùng làm việc, cùng sinh hoạt và san sẻ những khó khăn với nhau. Bằng cách đó, mỗi cá nhân đều được chăm sóc tốt về sức khỏe tinh thần và thể chất, tài chính cá nhân luôn được đảm bảo và ổn định.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được: chế độ ăn uống, sống và làm việc ngoài trời và khí hậu cận nhiệt đới là ba lý do giúp họ kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, chính “moai” mới là yếu tố giúp họ định hình cuộc sống.
Héctor García và Francesc Miralles kết luận rằng, “ikigai” của mỗi người phản ảnh giá trị sống, niềm tin và trạng thái tinh thần của mỗicá nhân.
Nguồn tài liệu tham khảo cho bài viết và hình ảnh về nguồn gốc sơ đồ “ikigai” mình để trong comment ạ.
Cherry Lam mến chúc bạn một ngày mới an lành.
Thông tin về mô hình "Sweet spot" theo Mellisa Dinwiddie, con đường nghề nghiệp theo sở thích/đam mê:
https://melissadinwiddie.com/passion-pluralite-career-path/
Thông tin về thuyết con nhím của Jim Collins:
https://www.jimcollins.com/concepts/the-hedgehog-concept.html